Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu biết kết hợp chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể lực thì có thể chữa được tiểu đường type 2 giai đoạn đầu.
Tiểu đường (đái tháo đường) là một hội chứng chuyển hoá đặc trưng bởi tăng đường máu, có thể gây ra những biến chứng nặng nề như bệnh thận, tổn thương đáy mắt, lao phổi, hoại tử chi, nhồi máu cơ tim và đột quỵ…
Trẻ em cũng bị tiểu đường
Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tiểu đường được chia ra làm 2 thể: type 1 và type 2. Trong đó, type 1 được xem là nguy hiểm hơn type 2, vì có thể gây nhiều biến chứng vi mạch ở mắt, thận, các chi cùng với thoái hoá dây thần kinh ngoại biên.
Nếu ở type 2 thường gặp ở người lớn tuổi, người béo quá mức thì type 1 lại thường thấy ở bệnh nhân gầy còm, người trẻ tuổi và đặc biệt là cả trẻ em trên 2 tuổi do di truyền.
Tiểu đường type 1 là do tuỵ mất khả năng tiết Insulin khi tế bào beta bị tổn thương, có thể phát triển từ bé nếu bị di truyền; còn tiểu đường type 2 lại âm ỉ do khả năng tiết Insulin của tuỵ giảm từ từ và do hiện tượng kháng tác dụng của Insulin ở hệ cơ bắp, gây hạn chế chuyển hoá glucose và tăng đường huyết. Đa số bệnh đái đường type 2 thường xảy ra ở những người béo quá mức và người trên 45 tuổi.
Từ nghiên cứu trên cho thấy, không phải thức ăn có nhiều đường là nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường. Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo, những người ngoài 40 tuổi không nên ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc thức ăn rán quá béo… vì tiểu đường type 2 xảy ra âm ỉ, sự thiếu hụt Insulin từ từ và nếu ăn quá nhiều thức ăn như vậy sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Không ăn phủ tạng động vật
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong điều trị tiểu đường, chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng và có thể chữa được tiểu đường type 2 ở giai đoạn đầu nếu biết kết hợp chế độ ăn uống thích hợp và hoạt động thể lực.
Nguyên tắc ăn uống của người bị tiểu đường là phải cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng nhằm đảm bảo cuộc sống bình thường (3 bữa chính+ từ 1-3 bữa phụ), duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa đủ. Người gầy quá thì phải tăng cân và người béo nên giảm cân và bỏ dần thói quen ăn ngọt, xào, rán quá béo, rượu (nếu nghiện).
Năng lượng khẩu phần trung bình trong một ngày được tính theo trọng lượng cơ thể. Nếu nằm điều trị tại giường, chỉ cần 25Kcal/kg/ngày và hoạt động nhẹ tại nhà thì chỉ cần 30Kcal/kg/ngày. Trong đó: chất đạm (protid) khoảng từ 15-18%; chất béo (lipid) chiếm từ 20-25% và chất bột đường (glucid) chiếm từ 60-65%; chất xơ 40g và muối 1g/1.000Kcal. Nếu một người khoảng 50kg, làm việc nhẹ ở nhà thì tổng năng lượng hợp lý trong ngày được tính: 30 Kcal/kg x 50kg =1.500 Kcal (ước tính mỗi bát cơm là 150 Kcal-PV).
Ngoài ra, TS Lâm cũng khuyến cáo người bị tiểu đường không nên ăn nhiều đường ngọt, tinh bột vì những chất này góp phần làm tăng glucose trong máu, dẫn đến bệnh tiểu đường sẽ có nhiều biến chứng hơn. Không nên ăn các loại bánh kẹo ngọt, chocolate, quả ngọt khô, quả ngọt ngâm đường, mứt hoa quả, các loại nước uống có đường mật, nước uống đóng lon, chai sẵn.
Người bị tiểu đường có thể ăn hoa quả chín (80-100g/lần x 2-3 lần/ngày), nhưng phải giảm lượng cơm. Khi ăn quả chín nên ăn ở dạng miếng, không nên ăn ở dạng xay sinh tố, vì làm cho đường hấp thu nhanh hơn.
Đồng thời, không nên ăn những thực phẩm có nhiều cholesterol, đặc biệt là phủ tạng động vật, vì loại thực phẩm này có thể gây nên tình trạng rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, hay nhồi máu cơ tim.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hàm lượng cholesterol trong 100g thực phẩm ăn được thì lòng đỏ trứng gà chiếm vị trí cao nhất: 1.790mg; trứng gà: 600mg; gan gà: 440mg; phomát: 406mg; bầu dục lợn: 375mg; gan lợn: 300mg; bơ: 270mg; tôm đồng: 200mg; lưỡi bò: 108mg; dạ dày bò: 95mg; mỡ lợn nước: 95mg; thịt bò hộp: 85mg; thịt ngỗng: 80mg; thịt vịt: 76mg; thịt ngựa: 75mg; cá chép: 70mg; thịt lợn, bò xay: 66mg; sườn lợn: 66mg…
Nguồn: http://www.giadinh.net